Sáng ngày 26/12, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố. Về phía Bộ LĐ-TB&XH có Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cùng các Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tham dự hội nghị.
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, bản lề, là năm có ý nghĩa rất quan trọng. Trong một năm đầy khó khăn, thách thức, với lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp, với quyết tâm của cán bộ công chức, người lao động toàn ngành, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trọng xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.
Về lĩnh vực an sinh xã hội, năm 2023, các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của hộ nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao. Lãnh đạo ngành đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo thường xuyên và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó, tập trung giải ngân vốn của Chương trình năm 2023 với kinh phí đã phân bổ từ ngân sách trung ương là 12.692 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 3.526,635 tỷ đồng. Phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành; kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên bố trí từ ngân sách trung ương năm 2023 ước trên 20.000 tỷ đồng.
Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu.
Về khía cạnh an sinh xã hội, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Cả năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 39,25%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên 31,58%, đạt và vượt các mục tiêu đề ra. Các chính sách BHTN được tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tính đến hết tháng 11/2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 1 triệu người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 955.058 người, tăng 9,5%.
Ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,1 triệu đối tượng với kinh phí thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 2.332 người với tổng kinh phí 100 tỷ đồng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng được đẩy mạnh. Đời sống người có công và thân nhân người có công tiếp tục được cải thiện, nâng cao hơn…
Tại hội nghị, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Hữu Phúc đã có tham luận về chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội thực hiện Đề án 06 của tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Hữu Phúc, để thực hiện một cách có hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội thực hiện đề án 06, Tỉnh đã triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành Lao động, người có công và xã hội, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội. Qua đó, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội đảm bảo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”. Đã có hơn 57.001/60.834 đối tượng đã được cấp định danh cá nhân/CCCD, phối hợp xác thực qua CSDLQG về DC. Đến nay, đã thực hiện nhập liệu được thực hiện rà soát, đối chiếu làm sạch và nhập dữ liệu người có công trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 9.010 người có công với cách mạng trên hệ thống CSDLQG về DC; tiếp tục cung cấp 15.023 đối tượng người có công và thân nhân người có công hưởng trợ cấp hàng tháng.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Hữu Phúc, cho biết tỉnh đã tích hợp giữa Cổng dịch vụ công quốc gia/Hệ thống dịch vụ công của tỉnh với Hệ thống Quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đối với 03 thủ tục hành chính thiết yếu theo yêu cầu tại Đề án 06 về trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng lĩnh vực bảo trợ xã hội, người có công và bảo hiểm thất nghiệp. Kết quả tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 48.247/60.834 đối tượng trực tiếp, người ủy quyền, người giám hộ được mở tài khoản, chiếm tỷ lệ 79% trên tổng số đối tượng. Tổng số đối tượng, người được ủy quyền, người giám hộ được chi trả chính sách trợ giúp xã hội qua tài khoản trên địa bàn tỉnh là: 33.054/60.834 đối tượng, chiếm tỷ lệ 54,33%. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Hữu Phúc, kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quan tâm hỗ trợ kết nối cơ sở dữ liệu ngành, hỗ trợ nguồn lực để thực hiện “Tích hợp thông tin Sổ lao động điện tử trên VneID”.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hữu Phúc trình bày tham luận tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi ý trong năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu Chính phủ chương trình hành động triển khai Nghị quyết 42-NQ/TW của Trung ương. Đặc biệt là quan tâm đến những vấn đề, thách thức, khó khăn đặt ra và có phân công và lộ trình để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, đồng thời thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, nghị quyết trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thông qua vào Kỳ họp thứ 7 và Luật Việc làm (sửa đổi) lấy ý kiến vào Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần sớm tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động, việc làm, an sinh xã hội hợp với tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các cam kết trong FTA thế hệ mới; giải quyết các vấn đề trong quan hệ với người sử dụng lao động và người lao động, đối thoại, thương lượng tập thể…
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng bám sát nhu cầu thị trường lao động, trong đó có sàn giao dịch việc làm quốc gia để bộ theo dõi, đánh giá, cập nhật, nắm được cung và cầu.
Thời điểm quý I/2024, dự kiến Thủ tướng sẽ dự khởi công khai trương sàn giao dịch việc làm quốc gia. Qua đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chuyển đổi số toàn diện nhất trong số các bộ ngành khi có sàn giao dịch điện tử này. Đây là sàn giao dịch lao động - việc làm quốc gia, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng được giao chủ trì hoàn thành khung chính sách quốc gia và chiến lược thích ứng quá trình già hóa và mất cân bằng giới trong dân số, Phó Thủ tướng đề cập.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đóng vai trò hạt nhân trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện chính sách ưu đãi về người có công với cách mạng. Thời gian tới cần nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện mức chuẩn trợ cấp, cung cấp ưu đãi, hướng tới mức ưu đãi cao nhất trong các chính sách xã hội. Ngành chức năng đang gấp rút bổ sung hồ sơ và hoàn thiện tiêu chuẩn cho người có công.
Ngành cũng cần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, cần có chế tài tốt hơn đặc biệt trong việc thanh tra, kiểm tra với việc trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nêu rõ, năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai hệ thống dịch vụ xã hội, đa dạng, đa tầng, liên thông, chuyên nghiệp đáp ứng cơ bản, tăng khả năng tiếp cận với các nhóm đối tượng nhất là công nhân, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào di cư tự do, đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng động ngũ nhân viên làm công tác xã hội có hiểu biết pháp luật, có phẩm chất đạo đức, tận tâm, chuyên nghiệp, thúc đẩy xã hội hoá phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội.
"Hiện nay chúng ta làm rất tốt việc hỗ trợ những người có hoàn cảnh không may mắn. Nhưng trên thực tế, công việc vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Phải làm sao để các đối tượng tiếp cận được với mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội một cách tốt nhất", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Tác giả: Quản trị Website
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tiền thân của Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công là Nhà dưỡng lão (trước năm 1997), từ ngày 22/01/1997 đổi tên thành Trung tâm Nuôi dưỡng người có công cách mạng. Trung tâm hiện giờ được thành lập theo Quyết định số 2385/QĐ-UBND ngày 20/10/2008 của UBND tỉnh. Chức năng, nhiệm vụ của Trung...