“Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì thế Bộ LĐ-TB&XH phát huy vai trò nhạc trưởng trong công tác đào tạo nhân lực”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu bật vai trò “dẫn dắt”, kiến thiết của Bộ LĐ-TB&XH trong phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng bối cảnh mới, thời đại công nghệ 4.0 và các ngành nghề mới nổi.
Những giây phút đầu tiên của năm mới 2024, nhìn lại năm 2023 nhiều dấu ấn của Bộ LĐ-TB&XH, có thể nói, những đánh giá của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành đạt được cũng đủ nói lên những cố gắng âm thầm, hết mình của tập thể Lãnh đạo Bộ cũng như toàn thể cán bộ, CCVC và người lao động của ngành trong năm qua, - một năm theo Phó Thủ tướng là “đầy thử thách và sóng gió”.
Chuẩn trợ cấp, ưu đãi người có công phải ở mức cao nhất
Vượt qua những “cơn gió ngược”, Phó Thủ tướng ghi nhận năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã nỗ lực đạt được các đòi hỏi trong tình hình mới, như gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, mở rộng toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng, trên nguyên tắc bảo đảm tính “toàn dân và toàn diện”.
“Đây là mục tiêu cao hơn trước rất nhiều”, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Về lĩnh vực người có công, Phó Thủ tướng đề nghị: “Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công theo hướng mức cao nhất trong các chính sách xã hội”.
Điểm thêm một số thành tích nổi bật, ấn tượng trong khó khăn chung, trước hết theo Phó Thủ tướng đó là toàn ngành đã chủ động trong công tác tham mưu, hoàn thiện chủ trương chính sách pháp luật về phát triển xã hội, an sinh xã hội, nổi bật là Nghị quyết 42, đã tổng kết công phu, có những triển khai dân chủ, rộng rãi với các vai trò của địa phương.
“Nghị quyết 42, đặt ra các vấn đề chính sách xã hội trong tình hình mới, với tư duy đổi mới, chuyển đổi từ cách tiếp cận chính sách xã hội “đảm bảo và ổn định” sang “ổn định và phát triển”. Đây là bước tiến rất lớn, và trong đó có vai trò của ngành LĐ-TB&XH”, ông Trần Hồng Hà ghi nhận và yêu cầu trước Tết Âm lịch 2024, Bộ LĐTB&XH tham mưu trình Chính phủ chương trình hành động triển khai Nghị quyết 42 của Ban chấp hành Trung ương.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, toàn ngành thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa và huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống cho trên 1,13 triệu người có công với cách mạng.
Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên cho 1.138.816 đối tượng với kinh phí thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 2.332 người với tổng kinh phí 100 tỷ đồng.
Qua đó, có thể thấy, đời sống người có công và thân nhân người có công tiếp tục được cải thiện, nâng cao hơn.
Bên cạnh đó, công tác trợ giúp xã hội được quan tâm, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức trợ cấp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ.
Những con số ấn tượng
Đáng chú ý, nhiều con số ấn tượng về công tác đào tạo nhân lực trong năm 2023 đã được nêu bật tại báo cáo của ngành LĐ-TB&XH. Theo đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên 68%. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27% .
Đây là những con số đủ sức khẳng định nỗ lực vượt bậc của Bộ LĐ-TB&XH trong công tác phát triển nhân lực vốn rất nhiều thách thức hiện nay, vì thế Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, tiếp tục xem xét kỹ hơn các chỉ số, để có đánh giá xác thực hơn về tình hình.
Đặc biệt, khi đất nước chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, với tỷ lệ qua đào tạo nâng lên hàng năm, con số rất “sáng” như hiện nay, Bộ cần tham mưu đi trước một bước, phát huy vai trò nhạc trưởng trong công tác đào tạo nhân lực để chuẩn bị tốt hơn nữa nguồn nhân lực cho nền kinh tế.
Năm 2024 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn đối với toàn cầu và đặc biệt là Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng như thực hiện các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ. Theo Phó Thủ tướng, chúng ta phải xác định rõ thách thức để vượt qua, tạo ra được các cơ hội. Kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế của thời đại và thúc đẩy về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trí tuệ.
“Nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất và nhân tài chính là động lực đột phá của chúng ta để có thể rút ngắn khoảng cách bắt kịp đi cùng và vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Để đi đến nhận định này, toàn ngành đã thực hiện tốt các giải pháp phục hồi thị trường lao động, giải quyết có hiệu quả các vấn đề an sinh cho lao động bị buộc nghỉ, giảm thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp. Bằng nhiều giải pháp, Việt Nam đưa được 150.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đã cho thấy sự bứt phá ngoạn mục.
Điều đặc biệt, suốt 10 năm qua, kỷ lục đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài liên tiếp được xác lập, năm sau “xô đổ” kỷ lục của năm trước. Năm nay với kết quả vượt 129% so với kế hoạch, công tác này lại một lần nữa lập kỳ tích, đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
Con số “biết nói” này đã cho thấy sức bật của sự quyết tâm về giải quyết công ăn việc làm trong bối cảnh nhiều thách thức ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi sản xuất, suy giảm đơn hàng, đặc biệt Việt Nam là nền kinh tế mở, các thị trường lớn đang ở trong một điều kiện hết sức khó khăn; rồi các xung đột và những bất ổn về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, thiên tai… đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tác động sâu sắc tới tới nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong nước, thu nhập việc làm.
Nhưng với quyết tâm cao, các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định, Bộ LĐ-TB&XH đã góp phần đảm bảo công ăn việc làm cho người dân.
Cho biết thời gian tới, Ngành sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, sẽ chú trọng những lĩnh vực mới như: Chíp bán dẫn, tín chỉ carbon, năng lượng tái tạo…
Đồng thời đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hiện đại hóa cơ sở vật chất và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo.
Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy
Khẳng định bước vào năm 2024, với phương châm “đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng, toàn ngành sẽ đạt mức cao nhất các mục tiêu phát triển về lao động, người có công và xã hội, đặc biệt phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
“Đó là, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 69%, trong đó lao động được cấp chứng chỉ, bằng cấp đạt 28%; giảm nghèo đạt chuẩn đa chiều trên 1%. Đồng thời hoàn thành 16 chỉ tiêu ngành đặt ra, tinh thần không có chỉ tiêu nào không đạt”, ông nhấn mạnh.
Để làm được việc này, ông Dung cho rằng phải tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 của Trung ương. Tập trung xây dựng thị trường lao động ổn định, linh hoạt, đa chiều, phát triển bền vững; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về lao động, người có công với xã hội, siết chặt kỉ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và tập thể.
“Khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy, thấy khó thì né, phức tạp thì đùn đẩy để làm sao thực thi hiệu quả chính sách, người dân được thụ hưởng…”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Còn nhớ, bên hành lang Quốc hội, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Dân sinh, các đại biểu nhìn nhận, những vấn đề "nóng" của ngành được xã hội quan tâm như: giải quyết chính sách người có công, đẩy mạnh lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài… theo các đại biểu Quốc hội, rất cần một bàn tay thúc đẩy hoặc tháo gỡ khó khăn từ người "nhạc trưởng".
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội: "Nhìn vào kết quả nổi bật trong suốt nhiều năm qua, bằng vào những cố gắng, tâm huyết, và quyết tâm không ngừng nghỉ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho thấy ông đã thể hiện được vai trò "nhạc trưởng" ấy..."
Nguồn tin: Báo Dân Sinh (https://dansinh.dantri.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Sáng ngày 08/1, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) tổ chức hội nghị triển khai công tác lao động, người có công và xã hội, giảm nghèo bền vững năm 2024. Dự hội nghị có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; lãnh đạo...