Ngôi nhà hai lần được đón Bác Hồ

Thứ năm - 05/09/2024 04:03
Ngôi nhà hai lần được đón Bác Hồ

(LĐXH) - Căn nhà của cụ Nguyễn Thị An ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (nay là quận Tây Hồ, Hà Nội) là nơi đầu tiên tại Thủ đô đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về từ chiến khu Việt Bắc.

Nhà số 6, ngõ 319, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng vinh dự hai lần được đón Bác Hồ.

Ngôi nhà đặc biệt

7.jpg
 Ông Công Ngọc Dũng tặng cuốn sách “75 năm Bác Hồ về Phú Gia”  và giới thiệu về di tích cho học sinh trường cấp 3 quận Tây Hồ (Hà Nội).

Trong tiết trời dịu mát những ngày mùa thu lịch sử, chúng tôi tìm về ngôi nhà đặc biệt của cụ Nguyễn Thị An nằm sâu trong con ngõ 319, đường An Dương Vương, Tây Hồ. Sau cánh cổng là ngôi nhà được xây dựng cách đây gần một thế kỷ vẫn vẹn nguyên màu cổ kính. Một khoảng sân lát gạch đỏ, bên cạnh là bể nước xây bằng gạch cùng tấm biển với dòng chữ: “Bể nước Bác Hồ đã dùng năm 1945 và 1946”, gần đó là chiếc chậu rửa mặt, chiếc nồi bằng đồng, Bác Hồ dùng khi nghỉ lại tại ngôi nhà.

Ngôi nhà có 3 gian chính, 2 gian bên cạnh là phòng trưng bày ảnh về các thế hệ lãnh đạo của Việt Nam và những sự kiện lịch sử của đất nước, cùng với đó là các vật dụng của Bác như chiếc vali mây, máy đánh chữ được Bác mang về từ Chiến khu Việt Bắc. Phía trước nhà có bốn chữ Hán "Minh nguyệt thanh phong” (Trăng thanh gió mát). Hai bên có hai dòng chữ nhỏ "Bảo Đại tứ niên - Tôn tạo Đông thành", (Nhà xây năm thứ tư thời vua Bảo Đại, khánh thành vào mùa Đông), năm 1929.

Ở gian giữa, trên cùng treo ảnh Bác Hồ, hai bên là cờ Đảng, cờ Tổ quốc, chính giữa là dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Cạnh đó chiếc sập gỗ - nơi Bác Hồ từng nghỉ ngơi và bộ tràng kỷ Bác ngồi làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh… Phía bên ngoài hành lang là chiếc gương soi, Bác và các đồng chí bảo vệ thường dùng được treo ngay ngắn bên góc tường. Tất cả mọi thứ được bài trí, xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp.

Ngôi nhà được cụ Công Ngọc Lâm và cụ Nguyễn Thị An xây dựng vào năm 1929. Vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, khi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, cụ Nguyễn Thị An và ông Công Ngọc Kha (con trai cụ Lâm và cụ An) tham gia hoạt động cách mạng, phục vụ kháng chiến. Ngôi nhà cũng từ đó trở thành nơi thường xuyên lui tới họp bàn của cán bộ cách mạng.

Do vị trí kín đáo, lại nằm trong vùng an toàn khu ngoại thành Hà Nội nên ông Hoàng Tùng, một cán bộ cách mạng hoạt động ở xã Phú Thượng lúc bấy giờ đã lựa chọn làm địa điểm dừng chân của Bác Hồ (từ ngày 23/8 đến 25/8/1945), khi Người từ chiến khu Việt Bắc trở về, chuẩn bị cho Ngày Quốc khánh 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau khi hiến tặng ngôi nhà cho Nhà nước vào năm 1996 để làm “Nhà lưu niệm Bác Hồ”, ông Công Ngọc Dũng (SN 1962), cháu nội cụ Nguyễn Thị An là người trông coi, quản lý và giới thiệu về lịch sử ngôi nhà cho du khách ghé thăm. 

Câu chuyện về lần đầu gặp Bác Hồ do bà nội và bố kể lại, được ông Công Ngọc Dũng khắc ghi từng chi tiết. Theo lời kể của ông Dũng, hôm đó là chiều 23/8/1945, khi đò cập bến cây gạo Phú Xá, có một đoàn người đi tới. Trong đoàn có một ông cụ già để râu, mắt sáng, đi thẳng về nhà cụ Nguyễn Thị An.

Đến khoảng 20 giờ ngày 23/8/1945, khi ông Kha (bố đẻ ông Dũng) đang cùng một số đồng chí trong Ủy ban nhân dân lâm thời xã Phú Gia dự họp thì em gái ông đến gọi về nhà ngay. Về đến cổng, ông Kha thấy có bảo vệ và được thông báo nay nhà có các đồng chí ở chiến khu về.

5.jpg
Ông Công Ngọc Dũng giới thiệu về di tích khi đoàn phụ nữ quận  Hoàn kiếm (Hà Nội) về thăm.

Hai tiếng “chiến khu” với ông Kha lúc đó gợi lên những xúc cảm háo hức, thiêng liêng. Sau khi được mẹ ra xác nhận, ông Kha được vào nhà. Tối hôm ấy, ông Kha được ông Hoàng Tùng giao nhiệm vụ vừa phục vụ và bảo vệ đồng chí thượng cấp, vừa lo bảo vệ ở vòng ngoài.

Khi có dịp quan sát kỹ, ông Kha nhìn thấy người đang ngồi làm việc ở chiếc bàn nhỏ đặt giữa nhà là ông cụ đã có tuổi, mặc bộ quần áo chàm, tóc hoa râm, chòm râu dài, chân đi đôi giày vải của người dân tộc thiểu số, vóc người gầy yếu, nước da ngăm đen dường như vừa trải qua trận ốm, nhưng có vầng trán cao và đôi mắt rất sáng, phong thái nhanh nhẹn. 

Ông Kha đoán đây là đồng chí thượng cấp. Thời gian ở tại đây, đồng chí thượng cấp luôn mải miết làm việc từ sớm đến khuya, không mấy lúc nghỉ ngơi, ngoài lúc ngồi nghe các đồng chí từ Hà Nội về báo cáo tình hình.

Dù vô cùng bận rộn, nhưng đến chiều 25/8, trước khi rời đi, đồng chí thượng cấp vẫn gọi ông Kha tới, nhắn mời mọi người trong gia đình để đồng chí gặp mặt. Ông Kha gọi mọi người trong nhà về, đồng chí thượng cấp thân mật cảm ơn sự giúp đỡ của gia đình, chúc gia đình mạnh khỏe và hẹn có dịp sẽ về thăm.

Ngày 2/9/1945, khi có vinh dự được tham dự cuộc mít tinh lịch sử ở Quảng trường Ba Đình, ông Kha cùng người nhà mới biết đồng chí thượng cấp đã về Phú Gia và ở trong gia đình mình chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, là Bác Hồ kính yêu.

Kể đến đây, ông Dũng xúc động, ngưng lại giây lát, đưa mắt về phía sân nơi những lá cờ đang bay phấp phới trong nắng thu, nhấp ngụm nước, ông kể: “Lần thứ hai vào sáng ngày 24/11/1946, khi tới Phú Thượng và thăm lại gia đình. Tới nơi, Bác Hồ hỏi bố tôi về ông cụ già trong nhà (tức ông nội tôi) và bảo bố tôi đi mời ông cụ đến gặp Bác.

Nhìn thấy Bác, với sự xúc động mạnh và để tỏ lòng tôn kính, ông nội tôi chắp hai tay vái Bác. Khi thấy cụ chuẩn bị hành lễ, Bác đi rất nhanh ra nói rằng: “Không không, bây giờ cách mạng rồi, chúng mình đều là anh em cả, không còn như chế độ thực dân trước đây nữa”. Rồi Bác và ông tôi dắt tay nhau vào trong nhà”.

“Bảo tàng ký ức”

Trải qua gần 80 năm từ ngày Bác Hồ về nghỉ chân, ngôi nhà được coi như "bảo tàng ký ức", lưu giữ những kỷ niệm in dấu chân Bác, di tích mang một giá trị to lớn về lịch sử cách mạng này đã trở thành địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay. 

Cũng gần 30 năm qua, ông Công Ngọc Dũng cùng vợ và các con vẫn luôn cần mẫn, tận tụy trông coi bảo quản và làm người hướng dẫn viên cho nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến thăm di tích.

Điều ông Dũng thấy phấn khởi nhất đó là lượng học sinh đến với di tích ngày càng đông, hằng năm nhiều trường học chọn nơi đây để tổ chức kết nạp Đoàn viên cho học sinh, tổ chức các sự kiện theo các khóa, đồng thời cũng là để học sinh được báo công với Bác về việc học của mình.

6.jpg
Gia đình ông Công Ngọc Dũng luôn nâng niu, giữ gìn những hiện vật trong ngôi nhà.

Đặc biệt, gia đình ông Dũng vẫn duy trì nếp sinh hoạt như khi bố ông còn sống, đó là chọn ngày 23/8 hằng năm là ngày đoàn tụ gia đình, dòng họ để ôn lại kỷ niệm về Bác đã ghé thăm ngôi nhà với niềm tự hào riêng và mong muốn lan tỏa cho mọi người để cùng nhau phấn đấu, học tập làm theo Bác.

“Từ khi ngôi nhà được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia, lượng khách đến tham quan ngày càng nhiều, nhất là vào dịp kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước. Đồng thời, gia đình tôi cũng bận rộn hơn, mỗi khi có đoàn khách từ 15 đến 20 người, khi ấy cả gia đình tôi đón tiếp khách chu đáo.

Trong những năm qua, tôi tự bỏ kinh phí mua những tờ báo có bài viết về di tích để tặng du khách khi đến thăm. Nhân kỷ niệm ngôi nhà đón Bằng Di tích cấp thành phố, tôi cũng in hơn 2.000 cuốn sách “75 năm Bác Hồ về Phú Gia” làm quà tặng mọi người”, ông Dũng cho biết.

Là người được giao nhiệm vụ như một “hướng dẫn viên” lâu nay, ông Dũng luôn tâm niệm, muốn gìn giữ, phát huy được giá trị của di tích cách mạng phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách đến tham quan. Do vậy, ông mong muốn thành phố sớm bố trí có được bãi đỗ xe ô tô, nhà vệ sinh phục vụ du khách khi tới thăm quan.

Ngôi nhà cụ Nguyễn Thị An đã được công nhận là “Nhà lưu niệm Bác Hồ” và chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996.Năm 2019, ngôi nhà được công nhận là Di tích Lịch sử cấp thành phố; năm 2021, được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Tác giả: Cù Hòa - Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8

Nguồn tin: dansinh.dantri.com.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây